Non-fiction

Mình đọc một bài blog về rặng tuyết sơn, mà có một câu mình nhớ quá “

CHẮC CHẲNG CÓ AI TỪNG ĐỨNG TRƯỚC NHỮNG RẶNG TUYẾT SƠN MÀ RA VỀ LÒNG CÒN CHẬT HẸP”

Ngay lúc này đây, lòng mình đang chật hẹp. Nó cứ loanh quanh với việc, sẽ phải ứng xử thế nào đây, với con người mình gần gũi và tin yêu thế, nay lại có những hành vi thật khó chấp nhận – của 1 kẻ đồi bại về nhân phẩm.

Có lẽ mình đã suy diễn quá nhiều rồi.

Đứng trước thiên nhiên, đứng trước dòng đời vô thủy vô chung, giữa vô thường vạn biến, sống chết cách nhau gang tấc – người ta bỗng thấy lòng mình tự mở, mọi ân oán nhỏ hẹp tự tan đi, chỉ còn lại trống không, cái trống không của tinh khiết vô ngần.

Mình bỗng muốn viết blog, đều đặn như có thời đã thế. Mình bỗng muốn chụp ảnh, vào cầm ngay máy ảnh lên, chụp một vài góc trong nhà. Mình muốn thả bay đi những suy tính nặng nề trong đầu. Thôi, mọi điều xin nhờ vào bánh xe kì diệu của Pháp. Mình chẳng mang vác nổi sự nặng nề của quy tắc, của hình ảnh, của đạo đức đâu. Mình không mang nổi, nên mình không bắt ai mang cả.

Hóa ra là lòng vốn rộng, đời vốn thênh thang, mà là do bản thân ta cứ cố xây thêm tường và cài thêm khóa.

Mình nghĩ đến giám mục Miriel- người cho đi không giữ lại gì, người mà không bao giờ khóa cửa – người đã khiến người tù khốn khổ Giăng Van-giăng vỡ dần những hận thù với cuộc đời để rồi trở thành Ma-đơ-len của nhân từ, độ lượng.

Không phải chuyện của mấy nhà văn lãng mạn cứ bay bổng suốt này mà tưởng tượng ra. Mình luôn tin trên đời có điều đó, có người đó.

Mình cũng nghĩ đến những người lính bộ binh, pháo binh trong cuốn Những câu chuyện của các anh (Phan Thúy Hà) mà mình đang đọc. Những mất mát thương đau hiện lên rõ mồn một, chân thật như mình nhìn thấy ngay trước mắt. Bộ sách non-fiction thực sự khiến ng ta phải đối diện với quá khứ thật đau lòng. Như hình ảnh người lính bị thương, lẩn trốn trong rừng, đến khi đồng đội tìm lại được, mạn sườn phía dưới nách thịt đã thối hoắc và rỉa rói, nhấc cánh tay lên những con giòi trắng to bằng đầu đùa thi nhau rơi xuống, nhìn thấy cả buồng phổi bên trong. Những người lính bị dính bom phốt pho, bom napan thiêu rụi, thành cục than, hoặc thiêu một phần – vẫn sống tiếp, chiến đấu tiếp. Những người lính mất đi một phần thân thể nghe kể bình thường như người ta nấu cơm bị đứt tay. Đau thương, mất mát nhiều đến thành bình thường. Đêm qua 60 người, sáng nay tỉnh dậy chỉ còn có 7.

Mình chỉ biết chiến tranh qua tivi, báo đài, sách vở. Lúc nào nó cũng được phủ lên một lớp áo hào hùng. Đau thương nhưng hào hùng. Nên mình chẳng còn ấn tượng gì về đau thương nữa. Cứ nghĩ nó là 1 sản phẩm của phim ảnh như bao phim ảnh khác vậy thôi.

Bộ sách chị Hà gửi cho 5 cuốn, mới đọc 1 mà đã nhận ra, bấy lâu nay mình đã được ru ngủ trong fiction nhiều thế nào. Non-fiction khiến cho mình bừng tỉnh.

Hôm nay chủ nhật, mai là thứ 2 rồi. Mỗi tuần cho mình được 2 ngày không kế hoạch gì, vẩn vơ gì cũng được. Sớm nay dậy dọn nhà, rồi lạy Phật, đốt trầm. Thấy lòng mình sao yên ổn. Muốn khóc mà không phải vì buồn đau gì, chẳng biết, có lẽ thấy biết ơn khi nhìn thấy gương mặt đức Phật đang cười thật hiền từ.

Bình luận về bài viết này